Sân khấu Cải lương: Làm mới nhưng đừng quên làm hay

VHO- Để có thể hội nhập, cạnh tranh với nhiều loại hình giải trí hiện đại, nghệ thuật truyền thống, trong đó có Cải lương, đã liên tục “biến hóa” để tìm được tiếng nói chung với khán giả đương đại. Thế nhưng, trên thực tế nhiều đơn vị cứ mải mê “làm mới” mà quên đi vấn đề then chốt là giữ được cái hay, cái đẹp trong hồn cốt của nghệ thuật dân tộc…

Sân khấu Cải lương: Làm mới nhưng đừng quên làm hay - Anh 1

 Vở “Tiếng trống Mê Linh” của sân khấu cải lương ngày nay

Và điều đó đã vô hình trung khiến việc “làm mới” trở thành con dao hai lưỡi, “lợi bất cập hại”.

Làm gì thì cũng phải... làm đúng

Thực tế trong những năm trở lại đây, có rất ít vở diễn trên sân khấu cải lương đạt chuẩn hoặc dung hòa được giữa tính thị trường và định hướng thẩm mỹ. Nhiều sân khấu đã lạm dụng múa, trang bị quá nhiều màn hình LED, xem nhẹ đầu tư phục trang, thay vì tập tuồng thì sử dụng chiêu trò… khiến người xem ngao ngán và có dấu hiệu quay lưng với bộ môn nghệ thuật truyền thống này.

Nếu như trước đây, sân khấu ít có phương tiện hỗ trợ nên mọi trách nhiệm đều dồn lên vai các diễn viên, thì ngày nay việc có thêm các tiết mục múa hay màn hình LED đã làm cho sân khấu trở nên phong phú hơn, phù hợp với thời đại. Song có một nguyên tắc bất di bất dịch là tất cả những “gia vị” này đều phải nhằm mục đích phục vụ cho chủ đề tư tưởng của tác phẩm, bằng không nó cũng chỉ là thứ vô bổ, dư thừa. Ví dụ điển hình nhất là phân đoạn bà Trưng Trắc tế chồng trong Tiếng trống Mê Linh, khi đó bối cảnh cần sự trang nghiêm và sân khấu bất động để thấy sự chuyển động tinh tế của nhân vật chính, thì ngày nay không khó để bắt gặp sự xuất hiện của cả một dàn múa đông đảo đứng vây quanh trên sân khấu. Theo Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TP.HCM Lê Nguyên Hiều: “Khán giả đến với Cải lương cái cốt lõi vẫn là muốn nghe hát, nghe cái luyến láy, cái nhả chữ, cái nhấn nhá uyển chuyển của nghệ sĩ. Việc sử dụng múa chỉ là tô điểm thêm cho nhân vật, nội dung của tác phẩm chứ không phải làm lu mờ nhân vật và giọng ca mà diễn viên chính đang thể hiện”.

Thưởng thức cải lương không chỉ để thỏa mãn phần nghe nhìn, mà qua đó người xem còn được hiểu biết thêm về kiến thức văn hóa, lịch sử. Xem Rạng Ngọc Côn Sơn để nhớ về cụ Nguyễn Trãi, hiểu về vụ án Lệ Chi Viên; xem Thái hậu Dương Vân Nga để nhắc nhớ người phụ nữ có vai trò to lớn trong lịch sử… Thế nhưng, không ít trường hợp những vở diễn được dàn dựng rất công phu nhưng lại sai cơ bản về lịch sử, văn hóa. TS Lê Hồng Phước, người luôn đặt tâm huyết vào sân khấu cải lương cho biết, ở vở Nghêu Sò Ốc Hến, cảnh xử án tại huyện đường là một ví dụ cho vấn đề tôn trọng lịch sử. Xem bản dựng của những năm 1980 sẽ thấy, giữa công đường mọi thứ phải có khuôn có phép. Cái hay của đạo diễn và nghệ sĩ thuở ấy là vẫn làm ra dáng giữ khuôn phép công đường nhưng lại thật sự “lươn lẹo” trong cái khuôn phép đó. Còn ngày nay, có những nhóm nghệ sĩ lại diễn theo lối “quậy tưng”, chạy qua chạy lại, ai muốn làm gì làm, khiến công đường náo loạn như một cái chợ. Đây là điều không thể chấp nhận được!

“Hiện đại” nhưng đừng “hại điện”

Sân khấu cần hiện đại và đổi mới, nhưng nếu áp dụng không đúng cách thì nó sẽ gián tiếp “hại chết” tác phẩm. Sinh động, hấp dẫn, giúp tiếp cận khán giả trẻ một cách dễ dàng hơn là những lợi ích của việc áp dụng kĩ thuật, công nghệ 4.0, thế nhưng, soi chiếu vào một vở diễn cụ thể, chẳng hạn việc thể hiện không gian của một sân khấu kinh dị, u ám, ngay cả một tiếng động nhỏ, một tiếng gió rít, một cánh màn phất phơ cũng đủ tạo nên hiệu ứng mạnh thì màn hình LED sẽ trở thành “vô duyên”, bởi lẽ không phải hoàn cảnh nào công cụ hiện đại cũng phù hợp để có thể áp dụng. Thậm chí, nhiều sân khấu hiện nay còn cẩu thả đến mức “tiện tay” vào Google lấy hình ảnh, kể cả ảnh đã đánh dấu bản quyền, về làm bối cảnh.

Phục trang biểu diễn cũng là điều đáng báo động. Dù biết rằng, lên sân khấu là phải đẹp, nhưng không thể đánh đồng giữa cái đẹp của cá nhân nghệ sĩ và cái đẹp của nhân vật. Nhưng dường như nhiều nghệ sĩ hiện nay đã làm lơ với vấn đề này và chỉ mải mê làm đẹp cho bản thân chứ không phải cho vai diễn. Có người đóng vai người mẹ lại ăn mặc và trang điểm trẻ ngang với con; đóng nhân vật nghèo khổ nhưng lại mặc sang chảnh, lịch sự như dân công sở; gần đây nhất, trong một trích đoạn dự thi giải thưởng Trần Hữu Trang 2020, vai nữ là Việt Cộng nằm vùng ở chiến khu gian khổ mà diễn viên lại mặc quần đen bóng, áo bà ba cổ khoét rộng, đặc biệt là mái tóc uốn xoăn rất thời thượng… Tuy mọi thứ đều đẹp, nhưng rõ ràng là không hề phù hợp với vai diễn, đặt vào bối cảnh thì trông thật phản cảm.

Để có được một vở diễn thành công thì việc cập nhật các công nghệ, làm mới trên sân khấu là điều tất yếu, tuy nhiên cái cơ bản và mấu chốt nhất vẫn là nội lực của nghệ sĩ để tạo được cái hồn cho vở diễn, bởi lẽ, dù cho sân khấu được trang trí lộng lẫy, trang phục bắt mắt nhưng diễn kém thì vẫn là con số không. Tại sao khi nhắc đến Tiếng trống Mê Linh là khán giả nghĩ ngay đến cố NSND Thanh Nga, nhắc đến Đêm lạnh chùa hoang là nhớ đến NSND Lệ Thủy… dù cho những vai diễn đó đã có tuổi đời gần nửa thế kỷ. Vì thế, những thế hệ làm nghề hiện nay đừng quá say mê và lạm dụng việc “làm mới” mà xem nhẹ việc “làm hay” và giữ gìn hồn cốt cho cải lương truyền thống.

 HỒNG HẠNH

Ý kiến bạn đọc